Cuộc sống con người là một chuỗi những ngày chạy theo lợi ích, có thể trả lời ngay tham nhũng không thể biến mất nó chỉ thay đổi cách thức và ngày một được che đậy tốt hơn mà thôi. Con người thì không ai giống ai và thậm chí chính bản thân mỗi người cũng biến đổi không ngừng ở từng thời điểm. Vậy thì chẳng có gì đảm báo chính bạn sẽ không là người tiếp theo phạm phải sai lầm.
Tham nhũng là hiện tượng kinh tế – xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Ở Việt Nam, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 giữ nguyên khái niệm này).
Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng
Sự phát triển về mọi mặt của một Nhà nước, đặc biệt là phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân.
Tham nhũng là hệ quả tất yếu của của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém. Phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều kiện khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của đội ngũ công chức. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.
Trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay nói cách khác là nhận hối lộ. Chính hành vi của người dân đã tiếp tay cho người có chức vụ thực hiện hành vi tham nhũng.
Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý cũng là cái cớ để một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người dân, doanh nghiệp. Phải nói đến động cơ khiến tình trạng nhận hối lộ của cán bộ, công chức xảy ra thường xuyên như vậy đó là chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là mức lương chưa thỏa đáng. Ai cũng mong một cuộc sống no ấm, đầy đủ nhưng với tiền lương ít ỏi của mình một lẽ tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức vụ mà nhà Nước giao cho mình kể cả tham nhũng.
Khắc phục, triệt tiêu hành vi tham nhũng là điều không dễ dàng
Luôn là một vấn nạn nhức nhối được đề cập liên tục tìm ra các biện pháp để loại bỏ khỏi xã hội, hành vi tham nhũng vẫn tồn tại và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn sau rất nhiều nỗ lực.
Từ những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trên ta thấy có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng thời mới có thể ngăn cản hành vi tham nhũng xảy ra. Chưa kể đến những nguyên nhân khách quan như sự phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật,…. nguyên nhân chủ quan đến từ chính cá nhân mới là cốt lõi của vấn đề.
Đến khi nào mà người có chức có quyền chủ động từ chối nhận để cho, người dân nghiêm túc chấp hành theo nguyên tắc, chỉ nhận những gì được nhận chứ không tìm “đường tắt” để đạt được mục đích, thì khi đó xã hội mới có khả năng loại bỏ tham nhũng. Lòng tham của con người dẫn chúng ta đến những hành động sai trái mà dù nhận thức được người ta vẫn thực hiện. Chẳng ai không có lòng tham mà phổ biến nhất là về vật chất, nói như vậy nhưng không có nghĩa là hợp lý hóa cho hành vi tham nhũng. Cán bộ, công chức là những người được trao quyền lực và có nghĩa vụ phục vụ nhân dân. Và không có lời bao biện nào thỏa đáng cho hành vi nhận “quà” mới làm việc vì đó là trách nhiệm của họ.
Tựu chung lại mọi vấn đề đều từ con người mà ra. Vì vậy những công tác luôn được đốc thúc như tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp trong việc phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội để phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị;… cần có những hành động cụ thể và quyết liệt hơn để đi vào thực tế chứ không chỉ nằm trên trang giấy.